Những người khốn khổ là kiệt tác của đại văn hào Victor Hugo. Trong tác phẩm này, tác giả đã khắc họa sống động chú bé Gavroche hồn nhiên, dũng cảm và nghĩa hiệp… Gavroche tuy đói khổ và nhiễm chút “bụi đời” nhưng vẫn rạng ngời phẩm chất tốt đẹp. Chú căm ghét kẻ giàu và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó. Chú đã dùng đồng xu cuối cùng để mua bánh cho hai đứa trẻ lạc đường đang đói và còn mở rộng bụng voi để chúng ngủ qua đêm…Paris khởi nghĩa, Gavroche hăng hái ra trận với khẩu súng không cò, miệng hát vang những khúc ca “hòa âm của tiếng chim và xưởng thợ”. Gavroche luôn có mặt ở những nơi cuộc chiến gay go và ác liệt. Chú như con ong: châm anh sinh viên này, đốt anh thợ kia, đáp xuống, dừng lại, bay lượn trên chiến lũy. “Đôi cánh tay nhỏ của chú là sự chuyển động thường trực, hai lá phổi tí hon của chú chứa đựng sự huyên náo…”***Victor Hugo là niềm tự hào của nhân dân Pháp và của toàn thế giới. Victor Hugo tên đầy đủ là Victor Hugo, sinh ngày 26 tháng 02 năm 1802 ở Bơzăngxông, mất ngầy 22 tháng 05 năm 1885. Vốn là con của một người thợ mộc, nhưng ông Joseph đã phục vụ quân đội Pháp trong thời kỳ Cách Mạng và lên tới cấp bậc thiếu tá, rồi về sau do lòng dũng cảm và công trạng chiến trường, trở thành một vị tướng trong đội quân của Napoléon. Mẹ ông sinh trưởng trong một gia đình quân chủ và ngoa đạo. Do hoàn cảnh gia đình mà Hugo chịu ảnh hưởng tư tưởng khá sâu nặng từ mẹ, tác động rất lớn sự hình thành các quan điểm của ông thời trẻ.
Cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông bao chùm thế kỷ XIX ở Pháp. Ông ra đời khi thế kỷ đó mới chớm nở được già một năm trên đống gạch vụn hoang tàn của chế độ phong kiến vừa sụp đổ chưa được bao lâu. Ông mất vào khoảng giai đoạn cuối thế kỷ, lúc phong trào cộng sản thế giới đang chuyển qua thời kỳ đấu tranh mới hết sức quyết liệt. Ông đã chứng kiến cơn bão táp của lịch sử và nó được phản ánh trong các tác phẩm của ông.
Nếu như “Letônxtôi được coi là tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”(V.I.Lênin) thì Victor Huygô cũng được coi là tầm gương phản chiếu của cách mạng Pháp. Victor Hugo là nhà văn, nhà thơ lớn của nước Pháp. Sự rộng lượng trong các tư tưởng của ông, sự ân cần trong cách diễn tả đã làm rung động tâm hồn người đọc bởi vì ông là nhà thơ của người bình dân, đã viết ra văn, làm ra thơ với đặc tính giản dị nhưng bao hàm bên trong sức mạnh, đề cập cả về niềm vui lẫn nỗi buồn của nhiều người. Khi được hỏi ai là nhà thơ lớn nhất của nước Pháp, Văn Hào André Gide đã trả lời: “Vẫn là Victor Hugo”. Victor Hugo có thể bị chỉ trích về sự nông cạn của tâm hồn tác giả và sự tầm thường của các nhân vật trong chuyện, nhưng tầm vóc tài năng của ông về văn chương, bao gồm cả kịch nghệ và thơ phú, thật là bao la, không có ai sánh kịp trong lịch sử văn học kể từ thời Shakespeare và Goethe. Mặc dù không phải là nhà tư tưởng sâu sắc, Victor Hugo vẫn là nhà văn chân thành, hiến mình cho “Chân, Thiện, Mỹ” và ông là văn hào được dân chúng Pháp yêu chuộng nhất.
“Những người khốn khổ” là tác phẩm xuất sắc nhất của Victor Hugo. Nhà văn hoàn thành bộ tiểu thuyết ấy ở đảo GheTác-nơ-đây. Trong thời gian sống lưu vọng. Tuy nhiên tác phẩm này đã được ấp ủ từ lâu. Chính vì vậy mà: “Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ XIX”. “Những người khốn khổ” ghi lại dấu mốc đáng kể trên con đường phát triển mạnh mẽ của loại tiểu thuyết xã hội Pháp. Đây được coi là tác phẩm chan chứa tình lãng mạng. Tác phẩm này là đỉnh cao nghệ thuật văn xuôi, tác phẩm đã kết tinh nhất thiên tài của văn chương thế giới.
Khi đạn to đã làm cho các chiến sĩ không ở được trên đỉnh chiến lũy và khi đạn ghém khiến họ phải rời các cửa sổ của quán rượu thì các toán quân tấn công có thể xông vào giữa đường phố mà không sợ ai nhắm bắn và có thể là không sợ ai trông thấy nữa. Có thể quân tấn công bất thình lình leo lên chiến lũy như hồi đầu hôm và biết đâu chúng sẽ bất ngờ chiếm lấy chiến lũy.
Enjolras suy tính: “Nhất định phải làm cho hai khẩu đại bác bớt làm phiền ta mới được”.
Anh thét:
– Bắn vào bọn pháo binh!
Ai nấy đều đã sẵn sàng. Từ lâu phải im lặng, cả chiến lũy bỗng nổ súng như điên cuồng, bảy, tám loạt nối liền nhau như căm hờn, như reo vui. Vài phút sau, qua làn mây mù rạch ánh lửa đạn lập lòe, người ta thấy lờ mờ đến hai phần ba số pháo thủ ngã gục bên bánh xe của các khẩu pháo. Bọn còn sót lại cứ bình tĩnh, nghiêm nghị, tiếp tục bắn nhưng bắn chậm đi nhiều. Bossuet bảo Enjolras:
– Thế là tốt. Thắng lợi.
Enjolras lắc đầu, đáp:
– Cứ thắng lợi kiểu ấy thì chỉ mười lăm phút nữa, cả chiến lũy sẽ không còn lấy mười viên đạn.
Câu nói ấy hình như đã lọt vào tai Gavroche.
Chợt Courfeyrac trông thấy có ai ở phía ngoài dưới chiến lũy, trên đường phố, trong luồng đạn của quân địch. Đó là Gavroche. Gavroche đã xách một chiếc giỏ dùng để đựng chai trong quán rượu, rồi luồn qua khe hở mà ra ngoài. Bây giờ thì chú điềm nhiên lật bị của bọn quốc dân quân đã chết trên bờ lũy mà trút đạn vào giỏ. Courfeyrac kêu hỏi:
– Em làm gì đấy?
Gavroche ngẩng đầu lên, đáp:
– Tôi hốt cho đầy giỏ đồng chí ạ.
– Em không thấy đạn vãi ra đó ư?
– Ừ thì như mưa đấy. Thế thì sao?
Courfeyrac thét:
– Đi vào!
– Lát nữa đã!
Gavroche chỉ đáp gọn lỏn có thế rồi đi sâu vào đường phố. Khoảng hai mươi xác người nằm rải rác suốt chiều dài đường phố cũng đủ cho Gavroche tha hồ mà lấy đạn tiếp tế cho nghĩa quân. Khói súng luẩn quẩn trong thành phố như một đám sương mù. Bị dồn lại giữa hai dãy nhà cao tầng, khói càng dày đặc giống như đám mây lọt vào thung lũng, giữa hai sườn núi dựng đứng. Nó bốc lên chầm chậm, bốc lên chừng nào thì dưới chân đã có khói mới tỏa ra thay chừng ấy, do đó không gian càng lúc càng mờ mịt. Mặc dầu giữa ban ngày mà trời vẫn cứ tối sầm. Con đường rất ngắn nhưng qua đám mây mù ấy, chiến sĩ ở đầu phố, cuối phố khó mà trông thấy nhau.
Có lẽ những người chỉ huy cuộc tấn công chiến lũy đã muốn tạo ra một đám khói mù như thế. Dẫu sao nó cũng rất có lợi cho Gavroche. Vóc người đã nhỏ bé, lại lẫn vào trong làn khói, nhờ vậy Gavroche tiến sâu vào đường phố mà không bị lộ hình. Chú dốc bảy, tám cái bị đầu một cách yên ổn. Chú nằm bẹp xuống đất mà lết, chú chống hai tay, hai chân phi nước đại, chú ngậm vành giỏ vào mồm để lướt tới. Chú lê, chú lết, chú trườn, chú xoay mình, chú uốn khúc như một con rắn. Chú bò từ xác này sang xác khác. Chú mở rộng cái bị hay cái nịt đạn như con khỉ bóc quả hạnh đào. Chú đi cũng không xa chiến lũy là mấy nhưng chẳng ai dám mở miệng gọi chú trở lại, vì sợ làm cho quân thù để ý sẽ phát hiện thấy chú. Chú tìm thấy một bị thuốc súng hình quả lê trên thây một hạ sĩ.
…
Mời các bạn đón đọc Chú Bé Thành Paris của tác giả Victor Hugo.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản