Sống ở đời cũng như lái xe hơi, người lái phải luôn nhìn thẳng phía trước qua kính chắn gió, chứ không chăm chăm nhìn vào kính chiếu hậu.
Đúng ! Tuy nhiên, liếc nhìn kính chiếu hậu đôi khi lại cần thiết.
Ngoái nhìn về quá khứ thường mang tiếng là hoài cổ, là tiếc nuối dĩ vãng… nhưng ai dám nói cái nhìn này vô bổ, nhất là nhìn với chủ đích « ôn cũ biết mới ». Người ta vẫn nghiệm rằng lịch sử nhân loại thường là những vở tuồng cũ soạn lại với những bài bản và nhân vật mới.
Tập bút khảo này nhắm chủ ý viết về những chiếc ấn triện của triều Nguyễn, một triều đại quân chủ sau cùng của nước Việt nam. Nhưng để làm mối duyên khởi khai mào, tôi chọn cho nó cái tên đầy ý nghĩa là « Chiếc bảo-ấn cuối cùng của Hoàng-đế Việt-Nam », dựa trên những mẩu tin thời sự về sự tạ thế vừa rồi của Cựu Hoàng Bảo Đại tại Pháp (ngày 31 tháng 7, năm 1997) và những lời đồn đãi về chiếc bảo ấn duy nhất còn sót lại trong tay ông. Chiếc bảo ấn này có tên gì ? Hình dáng, kích thước, trọng lượng quí kim của nó ra sao ? Và lý lịch, giá trị và ý nghĩa lịch sử của nó thế nào ? Toàn là những điều mà dân Việt ai cũng tò mò muốn biết !
Nhưng vì chiếc bảo ấn này là chiếc ấn cuối cùng còn xuất hiện, lại nằm trong một tập hợp của nhiều chiếc bảo ấn khác trong kho tàng của triều Nguyễn, nên tôi phải mượn những trang sách kế tiếp để trình bày lại những điều tôi đã thu góp được liên quan đến toàn bộ những ấn triện của nhà Nguyễn này. Đặc biệt gợi lại vai trò của vài chiếc ấn quan trọng tiêu biểu liên quan đến những biến cố lịch sử của nước ta trong thời cận kim. Và ở cuối sách, tôi viết thêm một phần đặc khảo phụ lục giới thiệu về kỹ thuật, nghệ thuật, cùng những giai thoại dã sử liên quan đến ấn triện Trung hoa nói chung để trình bầy những điều lý thú của ngành ấn chương học. Tôi nghĩ rằng phần đặc khảo này sẽ giúp những bạn trong giới văn chương nghệ thuật Việt nam hiện nay hiểu thế nào là thú chơi ấn đã từng làm cổ nhân say mê như chơi đồ cổ ngoạn vậy.
Những chiếc ấn triện ngày xưa thường là những món cổ vật đầy tính chất biểu tượng đã được đúc ra với những công dụng, chức năng đặc biệt riêng. Người ta có thể nói rằng mỗi chiếc ấn có một đời sống, một số mệnh riêng tùy theo chủ nhân của nó là một cá nhân, một thế tộc, một triều đại, một quốc gia…
Nghiên cứu và suy gẫm về những chiếc ấn của triều Nguyễn trên phương diện lịch sử và văn hóa chắc chắn sẽ hé lộ cho chúng ta nhiều cái nhìn lý thú và bổ ích để ta hiểu ta, hiểu người ; để nhìn lại thế nào là những bài học về thiên thời, địa lợi, nhân hòa…
Cầm những chiếc cổ ấn lên xem với con mắt thưởng ngoạn, kẻ hậu sinh sẽ bồi hồi và cực kỳ hoan lạc nếu hiểu được những tâm tình, tư tưởng và triết lý sống mà người xưa đã muốn mượn mặt đá và dao khắc gởi gấm vào !
« Ai ơi ! trở lại mùa thu cũ, Nhặt lấy cho tôi những lá vàng ».
Viết tập bút khảo này, tôi chỉ xin đóng vai trò một kẻ góp nhặt những chiếc lá vàng dĩ vãng để rồi trân trọng ép chúng trên những trang ký ức của đời.
Tôi thành khẩn xin quí bạn hãy đốt dùm tôi một cây nến để đọc và để chỉ giáo hay bổ khuyết cho những sơ sót, sai lầm của tôi. Thật là muôn vàn cảm tạ.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản