Tôi có may mắn quen anh Thảo nhiều năm về trước. Mà cũng phải cám ơn Nhật Nam, cậu con trai rất đáng yêu và tràn ngập yêu thương của anh, người bạn lớn của tôi. Bạn Nhật Nam của tôi giới thiệu “phụ huynh” và chúng tôi trở thành bạn bè.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh thât khó mà quên được: một con người trí thức, có tâm hồn sâu lắng, có tính cách rất thiền, có vốn hiểu biết lớn nhưng lại rất hài hước, dí dỏm. Anh rất kiệm lời nhưng lại nói rất nhiều. Anh nói bằng ánh mắt, nụ cười, bằng các cử chỉ trên cơ thể. Ngồi cạnh anh thôi, tôi cũng như được nghe anh nói. Cách nói của anh không cần bằng lời. Có lẽ anh đã đạt được đỉnh cao của nghệ thuật sống, đạt đến “giao tiếp bằng trái tim”.
Tôi đã cai facebook một thời gian, bởi thấy quá lãng phí thời gian và vô bổ. Cũng giống như tôi đã từng lãng phí thời gian vào xem ti vi và la cà trên báo mạng ngày xưa. Thế rồi tôi giật mình nhận ra rằng mình đã sai lầm. Facebook cho ta những thông tin thật nhất, đúng nhất, thú vị nhất. Vấn đề là mình chưa biết giữ lại những người thật sự là bạn, là thầy. Vấn đề là mình không biết chọn người để đọc. Và bây giờ tôi đọc anh Thảo thường xuyên và anh là số rất rất ít những người tôi vẫn theo dõi từ xa trên facebook. Tôi đã học được rất nhiều từ mỗi bài viết của anh. Thật sự là vậy!
Bạn biết không, khi đọc xong cuốn Tròn một vòng yêu thương lần thứ nhất tôi nghĩ đến câu chuyện về một ông lão câu cá. Ông ngồi hàng giờ bên bờ sông mà chẳng có cá cắn câu. Ông uống cốc bia và đã ngủ thiếp đi dưới nắng vàng và gió mát. Và bất ngờ ông bị đánh thức khi một con cá rất to vẫy vùng trong cần câu của ông. Ông bừng tỉnh và ngã nhào xuống sông theo con cá. Con cá đã câu ông lão chứ không phải ông lão câu cá.
Tôi đúng là vậy. Khi bắt đầu đọc tôi định “câu” những ý hay nhất, bắt những con cá to nhất, ngon nhất. Thế nhưng, chẳng cần bia rượu, không cần gió mát, trăng thanh, nhưng câu chuyện, những tâm tình của tác giả Đỗ Xuân Thảo đã “câu” tôi và tôi hoàn toàn bị hút hồn vào những trang viết. Ông lão thì bị cá lôi ngã xuống sông, còn tôi thì ngay khi đọc xong đến cả chục phút vẫn chưa tỉnh. Thật sự là vậy.
Tôi đọc bản thảo lần thứ 2 vào một buổi chiều tối. Đọc xong trong tôi hiện lên câu chuyện của bà lão tìm kim. Rằng bữa nọ, khi mặt trời đang lặn, khi trời chuẩn bị nhá nhem, người ta thấy có bà lão nọ cúi xuống tìm cái gì đó. Nhiều người dừng lại, tạo ra một đám đông có lòng tốt muốn giúp bà tìm thứ mà bà đánh mất. Trời thì sắp tối. Khi hỏi bà mất gì, thì bà bảo bà mất cái kim. Mọi người hỏi xem bà đánh mất ở đâu, ở khu vực nào để họ phân nhau ra tìm cho nhanh. Bà lão trả lời rằng, không nên hỏi bà câu này, vì bà đánh rơi chiếc kim ở trong nhà bà. Mọi người cười ồ lên, ngạc nhiên. Họ cho rằng bà bị tâm thần. Tuy nhiên bà nói rằng, trong nhà bà không có ánh sáng, trong khi ngoài đường còn chút ánh nắng nên bà đi tìm.
Tôi ngồi suy ngẫm và thấy rằng phần lớn chúng ta đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài mà không dành thời gian đặt câu hỏi rằng mình cất nó ở đâu hay đánh mất ở chỗ nào. Đọc xong và tôi nhận ra rằng, khác với số đông, anh Đỗ Xuân Thảo đã thực sự quay vào bên trong để tìm ra kho báu bên trong mình là tình yêu thương và trí tuệ. Nếu anh cứ hướng các giác quan ra bên ngoài: mắt nhìn khắp nơi, tai nghe âm thanh suốt ngày, tay nắm những gì ngoài bản thân, mũi ngửi đủ các loại mùi vị,… thì không thể có được những câu chữ hay như vậy, không thể có những tâm tình sâu lắng đến thế.
Những trang viết, mỗi câu chuyện hình như được tuôn chảy một cách tự nhiên từ tác giả. Hình như anh không phải vắt óc suy nghĩ, không cần cố công mà viết. Hình như tình yêu thương và trí tuệ vốn có sẵn trong anh cứ thế tuôn trào. Anh Thảo kiệm lời nhưng lại nói ra những suy nghĩ từ tâm can mình qua những câu chữ, đẹp hơn cả những vần thơ. Thật sự là vậy.
Tôi đọc bản thảo lần thứ 3 hôm qua. Đọc xong tôi muốn nhảy ngay đến cơ quan, đề nghị in ngay sách tuần này, ngay trong tuần này. Rằng tôi cần phải tận dụng những gì đang xảy ra ngay bây giờ, ngay lúc này. Rằng nếu không bản thảo sẽ đến với bạn đọc chậm hơn thì đáng tiếc, vì sách ra chậm ngày nào thì bạn đọc bị thiệt hại ngày đó. Rằng nhỡ tác giả đổi ý, chuyển bản thảo cho một nhà xuất bản khác không tâm huyết với tác phẩm này như tôi thì tôi… tiếc lắm.
Thêm một điều kỳ diệu nữa mà ít khi có được: Cả gia đình Nhật Nam cùng ra sách lần này. Nhật Nam có tác phẩm thứ 4 Đường xa con hát, Bố Thảo có cuốn Tròn một vòng yêu thương, mẹ Điệp ra cuốn Yêu thương mẹ kể. Nếu bạn được sở hữu cả 3 cuốn sách này thì bạn đã có một hành trang mà nhiều người muốn ghen tỵ với bạn rồi đấy nhé.
Hãy nên để cuốn sách này trên bàn làm việc hay ngay trên giường ngủ của bạn. Tôi đảm bảo, bạn sẽ đọc nó nhiều lần. Thật mà!
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản