Cuốn tiểu thuyết “Chuyện Người Tùy Nữ” của Margaret Atwood là một tác phẩm đầy sức mạnh và ảnh hưởng, đặc biệt trong việc phản ánh và cảnh tỉnh về những nguy cơ của sự trỗi dậy của các thế lực cực đoan và chống nữ quyền. Bằng cách xây dựng một thế giới đen tối và tàn bạo trong tương lai gần, tác giả mở ra một cánh cửa cho độc giả để suy ngẫm về những vấn đề nhân quyền, tự do cá nhân và bình đẳng giới.
Cuốn sách mô tả một thế giới trong đó phụ nữ bị bó buộc, bị áp đặt và bị kiểm soát một cách tàn nhẫn và vô nhân đạo. Nhân vật chính, được biết đến chỉ với tên là Tùy Nữ, trải qua những trải nghiệm đau đớn và tuyệt vọng khi bị đẩy vào vị thế một cách vô tội vạ trong xã hội Gilead.
Từ những mạch truyện sâu sắc và tình tiết gây cấn, Margaret Atwood đã tạo ra một câu chuyện lôi cuốn và sâu sắc, khơi gợi những suy tư sâu xa về quyền lực, tự do và nhân quyền. Cuốn sách không chỉ là một tác phẩm văn học xuất sắc mà còn là một tác phẩm chính trị, đóng vai trò như một bức tranh cảnh báo về những hệ quả của sự cực đoan và áp bức trong xã hội.
“Chuyện Người Tùy Nữ” đã làm nổi bật tài năng văn chương của Margaret Atwood và làm cho độc giả không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới cảm thấy thôi thúc và bị ám ảnh bởi thông điệp sâu sắc mà cuốn sách mang lại.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Chuyện Người Tùy Nữ của tác giả Margaret Atwood
**********
Cuốn sách “Chuyện người tùy nữ” của Margaret Atwood thuộc thể loại phản địa đàng (dystopia) giống như tiểu thuyết đình đám 1984 của George Orwell hay mới hơn là “Đấu trường sinh tử” của Suzanne Collins. Đây có lẽ là một trong số hiếm những cuốn sách thể loại này mà mình không ghét, thậm chí còn khá ưng sau khi đọc.
Mặc dù được xuất bản từ 1985, “Chuyện người tùy nữ” có văn phong hiện đại và rất mực gần gũi với chúng ta bây giờ. Đọc không bị chán, cũng chẳng bị lê thê mặc dù cốt truyện không hề kịch tích. Có điểm đặc biệt là cuốn sách được kể hoàn toàn qua suy nghĩ của nhân vật chính – Offred – nên luôn song song hai luồng suy nghĩ về một hiện tại đầy cực đoan cũng như kỉ niệm về một quá khứ hạnh phúc huy hoàng. Cách kể ấy tạo một hiệu ứng cực tốt, khiến người đọc dễ đồng cảm hơn với nhân vật, cũng như thấy rõ sự tàn bạo của xã hội mới tương phản hoàn toàn với cuộc sống cũ. Tâm lý của nhân vật được khai thác cực tốt và chân thực, mộc mạc nhưng đúng bản chất của con người. Đến tận cuối cùng, một số hành động của nhân vật này có thể bị cho là vô nghĩa; riêng mình khi đọc kĩ lại thấy chúng vô cùng hợp lẽ tự nhiên với những gì Offred đang phải trải qua.
Điều mình cảm thấy được thể hiện mạnh mẽ nhất trong cuốn sách này chính là sự áp bức kinh khủng của chế độ lên người phụ nữ. “Chuyện người tùy nữ” cũng chính là một trong số hiếm phản địa đàng đặt điểm nhìn vào một nhân vật phái nữ để thấy được định kiến và sự phân biệt giới tính. Người ta kiếm được vô vàn lý do từ tôn giáo tới khoa học để biện minh cho sự đối xử tàn tệ và bất công. Điều đáng sợ nhất là thế giới Nước Cộng hòa Gilead trong truyện kia thực chất hoàn toàn khả thi ngoài đời thực, chỉ là tới bây giờ vẫn chưa xảy ra. Với cách kể hết sức khéo léo, cộng thêm việc đưa vào miêu tả những chi tiết mang giá trị, Atwood đã tạo nên một thế giới khiến mình thật sự bức xúc và kinh sợ!
Đây là một cuốn sách mang tông màu ảm đạm, dường như không một tia hy vọng. Đa số mọi thứ diễn ra từ đầu cuốn sách đến cuối đều đi vào ngõ cụt, tuy không tới nỗi tiêu cực như 1984 của Orwell. Điều này vạch ra đúng bản chất của thế giới tối tăm ấy, nơi hy vọng dường như bị dập tắt hoàn toàn và con người không thể nào thoát thân. Nếu không quen thì có thể thấy cốt truyện có vẻ chán và nhạt nhòa, nhưng kết hợp với mọi thứ bên trên mình có nói thì cuốn sách này lại trở nên xuất sắc.
Phản địa đàng vẫn luôn là thể loại sách được tham khảo nhiều để có được cái nhìn giả định về tương lai. Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách không quá nặng nề mà lại dễ thấm, “Chuyện người tùy nữ” sẽ là một lựa chọn xuất sắc.
*******
“Chuyện người tùy nữ” là một câu chuyện giả tưởng, bối cảnh là nước Cộng Hòa Gilead – một dystopia điển hình.
Dystopia – Phản Địa đàng, ngược lại với Utopia – Địa đàng, là một xã hội mà những người xây dựng ra nó luôn nghĩ rằng họ đang xây dựng một xã hội tốt nhất, vĩ đại nhất, chuẩn mực nhất. Song thực tế thì lại trái ngược. Người dân bị theo dõi, cầm tù, đánh đập vì bất kể lý do gì. Tội đặc biệt nghiêm trọng là lật đổ hay âm mưu lật đổ chính quyền.
Cộng Hòa Gilead là một xã hội thần quyền cực đoan vào những năm 80 thế kỷ trước. Đại loại những người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hò nhau lập nên một chính thể lấy niềm tin tôn giáo làm kim chỉ nam. Nước Cộng Hòa này nằm ngay trên một phần của đất Mỹ.
Xã hội Gilead được phân công đại để gồm có: các “Gia Hộ” – là một gia đình có sức mạnh, có quyền lực, là nhân tố chính của xã hội Gilead; “Chủ Nhân” – là chủ của Gia Hộ, là những người có địa vị, nắm nhiều quyền lực trong bộ máy; “Phu Nhân” – vợ chính thức của Chủ Nhân, là những người nắm công việc điều hành nội bộ trong một Gia Hộ; các “Dì” – là những người đảm bảo điều hành mọi thứ theo các nguyên tắc tôn giáo; “Thiên Thần” – là mấy tay cảnh sát chuyên bắt và nhốt; “Martha” – là mấy cô giúp việc nhà; và “Tùy nữ” – những người không có chức năng nào khác ngoài ĐẺ.
Truyện giải thích rằng thời đó việc sinh sản trở nên khó khăn do chiến tranh, bệnh dịch, phóng xạ … Tất cả những người phụ nữ có khả năng sinh sản, đặc biệt là những người có hành vi phạm pháp nhẹ, nếu không bị đi đày ra khu Kiều dân thì sẽ thành Tùy nữ chỉ chuyên để đẻ. Các Tùy nữ không được sử dụng tên thật của mình nữa mà dùng một tên có chữ “of” đằng trước để chỉ việc sở hữu của chủ nhân.
Câu chuyện được kể theo phong cách u ám, đan xen giữa quá khứ lúc chưa có chính quyền Gilead và thời hiện tại. Những khoảng sáng lóe lên hiếm hoi chủ yếu là niềm vui lúc cô Tùy Nữ Offred còn tự do, còn gia đình. Kết thúc câu chuyện không phải là một happy-ending hoàn toàn nhưng cũng khá lạ với phong cách hồi tưởng lại quá khứ trong tương lai hơn 200 năm sau đại họa Gilead. Nó làm người đọc phải tưởng tượng sau khi cái kết chính thức được show ra.
Nói chung mình thích tác phẩm này. Thích An Lý dịch. Khá phấn khích khi An Lý cũng là người chuyển ngữ “The Blind Assassin” – “Tay sát thủ mù” của Margaret Atwood.
Margaret Atwood là một nữ văn sỹ sinh năm 1939 người Canada :D. “Chuyện người tùy nữ” được phát hành năm 1985 và là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Tuy nhiên “The Blind Assassin” mới là tác phẩm đoạt giải Man Booker năm 2000.
*********
Cái kết của Chuyện Người Tùy Nữ tuy khiến tôi hơi hụt hẫng thật nhưng nếu xét về tổng thể thì tôi thực sự thích cuốn này. Làm quen lần đầu với tác giả qua Tay sát thủ mù, một cuốn sách thực sự khá nặng đô với mình khi đó và mãi sau này mình vẫn không còn ấn tượng nhiều về nó. Nhưng đối với Chuyện người tùy nữ, tôi đã được nghe giới thiệu về cuốn sách rất nhiều, đọc cái review trên Ted Ed và goodreads nên tôi không thấy khó khăn mấy khi hoàn thành cuốn sách.
Cuốn sách Chuyện Người Tùy Nữ kể về một thế giới giả tưởng Gilead, nơi chính quyền tước đoạt quyền tự do ngôn luận của công dân, tước bỏ quyền lợi của phái nữ và tôn vinh phái nam. Hình tượng con mắt giống trong cuốn 1984, ngụ ý rằng mọi hoạt động phản trắc đều không được chấp nhận và bị xử tử công khai. Phụ nữ không có việc gì làm ngoài đẻ, nấu ăn và nuôi nấng con cái. Họ chỉ là công cụ để sản sinh ra thế hệ tiếp theo không hơn. Chính những nhân vật nam trong truyện cũng không khá hơn khi mà họ coi thường tâm trạng được yêu và được chia sẻ của người phụ nữ. Quân trưởng đã cười khi nghe Ofred nói về một dạng yêu hay Nick có vẻ lơ đãng về những gì cô chia sẻ. Sex là một chuyện nhưng yêu mới là thứ khiến bao đàn bà sa ngã.
Cuốn sách khiến tôi run rẩy khi nếu một ngày chính quyền chuyên chế đó tồn tại, không biết biết bao cuộc đời của phụ nữ bị rẻ rúng và coi thường. Và phần phụ lục phía cuối đã cho chúng ta biết rằng điều đó đó lùi về quá khứ
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản