Với tầm nhìn của người đứng đầu Nhà Trắng tương lai, Barack Obama viết 'Hy vọng táo bạo' trước khi đắc cử. Không chỉ nêu suy nghĩ về các vấn đề điều hành đất nước, ông còn cho thấy mình là người nhân hậu và biết thấu cảm.
Ngay từ đầu tập sách, Barack Obama tự giễu mình và đặt ngay một vấn đề mà từ trước đến nay mọi người thường nhìn về các chính trị gia: Làm chính trị là một khát vọng thu giữ quyền lực của cá nhân, hay đó là khát vọng nắm quyền lực để có thể chủ động thực thi được nhiều điều có ích trong cộng đồng, xã hội và thế giới.
"Trông anh cũng khá đàng hoàng. Sao anh lại muốn nhảy vào một lĩnh vực bẩn thỉu và hiểm ác như chính trị?", một người đã hỏi Obama như thế trong quá trình ông tranh cử vào một ghế trống tại Nghị viện bang Illinois. Câu nói đã khiến Obama suy nghĩ, tự vấn và tự phân tích mục tiêu mà ông đang theo đuổi. Chính vì không ngừng day dứt về sự va chạm giữa các lý tưởng, Obama bắt tay viết Hy vọng táo bạo, cuốn sách được hình thành trực tiếp từ những lần nói chuyện, gặp gỡ, tiếp xúc của ông với mọi tầng lớp người trên đường vận động tranh cử để trở thành thượng nghị sĩ Mỹ.
Trong một giai đoạn mà nền chính trị Mỹ tồn tại những con người khắc nghiệt và luôn căng thẳng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, Obama viết sách với góc nhìn và tâm thế của một vị lãnh đạo còn trẻ tuổi. Ngòi bút phóng khoáng và mạnh mẽ của ông chọc thẳng vào các vấn đề nhức nhối tồn tại trong chính trị Mỹ hiện nay. Ông nêu lên quan điểm cho rằng, nếu làm chính trị chỉ vì quyền lực của cá nhân hay đảng phái thì rốt cuộc cũng chẳng được lợi ích gì, và chỉ càng khiến cho đám đông dân chúng ngoài kia thêm chán nản và mất niềm tin vào thể chế chính trị.
Obama cho rằng, chính từ sự mất niềm tin của người dân, đất nước Mỹ suy yếu và đánh mất ánh hào quang mà nó đã gặt hái được từ lịch sử lập quốc đặc biệt của mình. Trong Hy vọng táo bạo, Obama muốn xoáy vào vấn đề làm thế nào để thay đổi cách làm chính trị và từ đó có thể thay đổi đời sống của công dân nước này.
Cuốn sách được chia làm 9 chương. Chương 1, Obama đưa ra đánh giá về lịch sử chính trị gần đây và cố gắng giải thích một số nguyên nhân của việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mang đầu óc đảng phái tương tàn. Trong chương 2, ông trình bày về các giá trị chung tạo nền móng cho sự đồng thuận mới cho nền chính trị Mỹ. Chương tiếp theo, Thượng nghị sĩ này đưa ra suy nghĩ về Hiến pháp Mỹ với tư cách là nguồn gốc của quyền công dân và là phương tiện để tổ chức những cuộc thảo luận dân chủ về tương lai chung của nước Mỹ. Chương 4, Obama trình bày về các thế lực có khả năng hủy diệt ngay cả những chính trị gia có nhiều hy vọng nhất. Đó là tiền, các phương tiện thông tin, các nhóm lợi ích và quy trình lập pháp.
Trong các chương còn lại, Obama đề ra những cách thức giúp nước Mỹ vượt qua sự chia rẽ nội bộ, kêu gọi đặt lợi ích của công dân và dân tộc lên trên lợi ích của đảng phái để giải quyết khó khăn mà cường quốc này đang đối mặt: bất an về kinh tế ngày càng tăng cao trong mỗi gia đình người Mỹ, sự căng thẳng về chủng tộc và tôn giáo trong chính trị, khủng bố và dịch bệnh, chiến tranh...
Dù đề cập về nhiều vấn đề mang tầm cỡ thế giới, ngòi bút của Obama lại rất giản dị. Đôi chỗ ông như tự vấn chính bản thân, đôi chỗ ông như đang tâm sự về nghề chính trị. Đặc biệt, trong chương cuối, dù chỉ dành vài dòng khá ngắn viết về cuộc sống gia đình, Obama vẫn khiến độc giả thích thú khi ông khẳng định, nước Mỹ hiện tại nên xem xét lại việc chỉ coi trọng các giá trị như: sự giàu có, thon thả, trẻ trung, nổi tiếng, an toàn và vui vẻ, mà quên đi giá trị của tình yêu, sự chia sẻ, đồng cảm, quan tâm lo lắng cho nhau, sẵn sàng đương đầu thách thức và không ngại va chạm để giải quyết hậu quả.
Nếu có câu "văn là người" thì qua Hy vọng táo bạo, Obama đã cố gắng chứng tỏ với nước Mỹ và với thế giới: ông muốn là nhà lãnh đạo tốt.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản