Thiếu tá KGB Andrey Mironov và các đồng sự khám phá ra kế hoạch gián điệp do một nhóm phản động âm mưu thực hiện vào những năm đầu sau chiến tranh vệ quốc.
***
Đã một giờ trôi qua và có lẽ là hơn nữa, thiếu tá An-đrây Mi-rô-nốp miệng vẫn không rời điếu thuốc lá – hết điếu này anh lại châm ngay điếu khác. Mi-rô-nốp đi đi, lại lại từ góc này sang góc kia trong căn phòng làm việc. Anh đếm mười bốn bước đi, quay lại mười bốn bước, rồi lại đi mười bốn bước nữa. “Đi bao nhiêu bước rồi: năm trăm, một ngàn, năm ngàn hay mười ngàn?” – ý nghĩ đó thoáng đến rồi vụt biến đi vì nó có nghĩa lý gì đâu. Mi-rô-nốp dừng lại bên cửa sổ, anh mở rộng hai cánh cửa. Không khí mát mẻ mùa thu ùa vào căn phòng. Những làn khói thuốc lá đang luẩn quẩn quanh bàn, xao động và tan dần. Tỳ tay vào khung cửa, Mi-rô-nốp nhìn ra đường. Trước mắt anh là những khung cảnh quen thuộc: bên phải là đường phố hẹp mang tên Đgiéc-gin-xki ngược về phía trước, đường hơi dốc thoai thoải. Về buổi chiều, đường phố náo nhiệt hẳn lên với những ô tô du lịch, tơ-rô-lây-buýt và xe khách loại lớn. Bên trái, trông rõ một phần quảng trường Đgiéc-gin-xki với cửa hàng bách hóa “Thế giới thiếu nhi” đang tấp nập người ra vào. Từ trên tầng năm của tòa nhà Ủy ban an ninh nhà nước, có thể trông rõ dòng người vô tận trên các vỉa hè, đường rẽ…
Mi-rô-nốp trầm ngâm ngắm nhìn cảnh người, xe tấp nập, nhộn nhịp. Nhưng khung cảnh gần gũi và quen thuộc thường ngày ấy hôm nay đối với anh không thể gợi lên được một niềm vui nào như mọi hôm. Anh đang bận tâm suy nghĩ một vấn đề quan trọng.
Mi-rô-nốp thở dài, đóng cửa sổ lại và quay về bàn làm việc. Ngồi xuống chiếc ghế mềm, Mi-rô-nốp lại kéo cặp tài liệu và dở tập ” Hồ sơ số…”
Bìa tập hồ sơ màu nâu mỏng dính. Trong đó chỉ có mười đến hai mươi trang. Chính những vấn đề trong cặp hồ sơ ít ỏi đó đã làm cho người thiếu tá an ninh mất ăn mất ngủ suốt ba hôm nay. Anh mở cặp giấy và lại một lần nữa, không hiểu là lần thứ mấy rồi, chăm chú đọc hết trang này sang trang khác. Nhưng tất cả đều vô ích, vì không có gì sáng sủa hơn. Càng đọc bao nhiêu anh càng thấy bế tắc bấy nhiêu (và quả là Mi-rô-nốp hầu như đã gần thuộc lòng) anh không làm sao lần ra đầu mối của cuốn chỉ để theo đó có thể tiến hành cuộc điều tra. Còn nhiều điều chưa rõ ràng, chưa được xác minh.
Phải tập trung chú ý ai trước? Phải nghiên cứu ai trước? Mi-rô-nốp suy nghĩ. Xa-môi-lốp-xcai-a ư? Điều này chẳng cần phải nói vì chính là đã bắt đầu từ mụ ta, tuy nhiên Mi-rô-nốp cũng tin là Xa-môi-lốp-xcai-a chỉ là một con cờ ngẫu nhiên không đáng được các cơ quan an ninh nhà nước chú ý.
Trê-nhi-a-ép chăng? Rất mơ hồ. Quả thật nếu như tin vào lời khai của Xa-môi-lốp-xcai-a (nhưng có nên tin mụ ta không?) thì trường hợp của Trê-nhi-a-ép quả là lạ lùng thật. Tại sao ông ta, một con người sống phong lưu, dư dật lại phải đi bán những quần áo phụ nữ nhập cảng. Nếu quả như vậy thì dù chỉ là một giả thuyết tồi nhất: điều đó có khác gì một kẻ đầu cơ. Bản thân Trê-nhi-a-ép lại là một đảng viên, từng tham gia cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, một trung tá kỹ sư, một người đã được thưởng nhiều huân chương, một nhà xây dựng cỡ lớn. Không thể nào ông ta lại giống một kẻ có thể gây nên những tội lỗi chống Tổ quốc, chống Nhà nước xô-viết. Vậy thì là ai bây giờ? Tác giả của mẩu thư còn sót lại chăng? Cũng có thể lắm. Nhưng, nên bắt đầu với anh ta như thế nào nếu như chưa biết rõ anh ta, hay đúng hơn là cô ta, là ai? Phải tìm tác giả bức thư đó ở đâu? Tìm như thế nào? Nếu như trong tay Mi-rô-nốp đã có được một mối chỉ nào đấy thì nó cũng rất mỏng manh, rất rời rạc…
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản