Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi đến với văn chương, ông là giáo viên ở miền núi phía bắc trong 10 năm.
Từ năm 1986, nhiều người biết đến Nguyễn Huy Thiệp qua một số truyện ngắn về đề tài nông thôn đăng trên Báo Văn nghệ. Dần dần tên tuổi của ông được chú ý hơn bởi văn phong và quan điểm sống khác biệt trong các tác phẩm.
Trước khi gây chấn động văn đàn với tác phẩm Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp đã công bố trên báo Văn Nghệ hai truyện ngắn (Mỵ, Vết trượt). Nếu tiếp tục cách khai thác chất liệu sáng tác và bút pháp của những truyện ngắn này, có lẽ ông vẫn tìm được một vị trí trong văn học sử nhưng không thể trở thành hiện tượng độc đáo gây nhiều tranh cãi như chúng ta chứng kiến suốt ba thập niên văn học.
Trong thế kỷ 20 ở nước ta, trên lĩnh vực văn xuôi hư cấu xuất hiện nhiều tài năng đa dạng, tầm cỡ, nhưng thiết nghĩ hai tác gia có tính cách tân và mang số phận kỳ lạ nhất là Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Thiệp. Một người cầm bút trong xã hội thuộc địa; một người trong bối cảnh đất nước thống nhất, hòa bình. Một người vào nghề và hoàn thành sự nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ; một người khởi nghiệp khi đã qua tuổi thanh niên và có nhiều trải nghiệm cay đắng trong cuộc đời. Một người chủ yếu thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết; một người đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn. Mượn cách nói của M. Bakhtin, cả hai là những nghệ sĩ thiên bẩm biết cách nhìn thế giới bằng con mắt của thể loại.