Chỉ với 27 năm tuổi đời và trên dưới 10 năm tuổi nghề thế mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng có thể nói là đồ sộ các tác phẩm trên nhiều thể loại, gồm 11 tiểu thuyết, 4 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng nhiều truyện ngắn, vở kịch, bút ký, tiểu luận, bản dịch... Riêng năm 1936, ở tuổi 24, ông đồng thời cho in trên báo 4 tiểu thuyết lớn và một phóng sự dài, trong đó có những tác phẩm xứng đáng vào hàng kiệt tác trong văn học Việt Nam thế kỷ 20. Đó là một kỷ lục viết không chỉ người đương thời mà cho đến nay, chắc chắn chưa ai sánh bằng. Từ đó mà suy, giá trời cho Vũ Trọng Phụng một cơ thể khỏe mạnh và một tuổi thọ dài, ít ra cho đến ngoài 50, thì có lẽ số trang, số quyển của Vũ Trọng Phụng cũng chẳng kém gì Balzac-người thường được dẫn ra khi nói đến Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên đây chỉ là một giả định cho vui, vì còn phải xét đến sự chi phối, thậm chí là quyết định của hoàn cảnh...
Cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là người khai mở và giành ưu thế tuyệt đối cho trào lưu hiện thực vào nửa sau thập niên 1930, với những “gương mặt rất khác nhau”, trong sự “kế tục nhau”, để có Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, rồi
Tô Hoài, Nam Cao... mà làm nên những mùa màng thật ngoạn mục cho văn học giai đoạn 1930-1945. Với Vũ Trọng Phụng, những dấu ấn mà ông để lại cho văn học Việt Nam là cực kỳ đặc sắc. Cho đến hôm nay, sau bao thăng trầm của lịch sử và chìm nổi của bản thân, Vũ Trọng Phụng vẫn còn đấy, tác giả của “Giông tố”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cạm bẫy người”, “Cơm thầy cơm cô”...; người khai sinh và đem lại sự bất tử cho những: Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, thị Mịch, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, em chã...