Những người có theo dõi loạt bài chúng tôi viết trên tờ Văn học (California) thì biết rằng tựa đề nguyên thuỷ của nó là “Sử Việt, đọc một quyển”. “Một quyển” đó là Đại Việt sử kí toàn thư. Nguyên ngày ra đi, 2-8-1994, cũng như những người khác chưa từng bước chân ra khỏi nước, chúng tôi không nghĩ rằng mình có thể tự nuôi sống được ở xứ người chứ đừng nói gì đến chuyện viết lách, khảo cứu. Cho nên vài tập sách mang đi chỉ là theo một thói quen lâu ngày và do đó, bộ Toàn thư (bản dịch và nguyên văn 4 tập, H. 1993) vẫn cứ nằm ẩm mốc ở nhà xe người bạn cho đến khi chúng tôi hơi quen với công việc hàng ngày, chịu đựng với mối lo thất nghiệp vốn là thường xuyên của di dân thiếu căn bản, lúc đó mới giở lại quyển sách cũ bỏ quên. Để xem đích thực người xưa đã viết những gì trong ấy, viết ra sao mà các sử quan, học giả tài danh xưa nay cứ theo đó chép lại, tán rộng khiến sách càng ngày càng dày, càng sinh con đẻ cái phồn tạp đến mức trở thành chân lí khó gột bỏ, thành truyền thống của tập đoàn dân tộc, thành cơ sở để thế giới hiểu về người Việt, nước Việt. Và rồi... À ra thế!