Pie đệ Nhất là một tiểu thuyết lịch sử tương đối đồ sộ một cách rất Nga, theo dự kiến có ba tập, tập I hoàn thành năm 1930, tập II năm 1934 và tập III, quan trọng nhất, đã phải dừng lại đột ngột năm 1945 vì cái chết của tác giả. Tiểu thuyết có nhân vật chính là Pie Đại đế (Pierre/Pyotr/Peter) – Sa hoàng lừng lẫy nhất trong lịch sử đế quốc Nga, cai trị từ năm 1682 đến năm 1725. Pie Đại đế là một Sa hoàng vô tiền khoáng hậu thuộc dòng họ Romanov, lịch sử đã ghi nhận ở ông một nhà cải cách kiệt xuất đã đưa nước Nga từ đêm đen u tối trở thành một trong năm cường quốc châu Âu lúc ấy giờ. Ông cũng chính là người đã cho xây dựng thành phố Sankt-Peterburg.
Như vậy, Aleksey Tolstoy đã có một cái lõi vững chắc để phát triển tác phẩm. Nhưng viết tiểu thuyết lịch sử không phải là kể lại lịch sử đơn thuần. Trước một tượng đài có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Sa hoàng Pie thì quả thực không dễ để viết mà không để tác phẩm của mình biến thành một thứ “sách sử trá hình“, điều đó yêu cầu nhà văn phải có bản lĩnh và bút lực dồi dào. Aleksey Tolstoy đã chứng minh mình có đủ các phẩm chất ấy.
Chúng ta sẽ thấy Pie đệ Nhất là một tiểu thuyết sống động như thể các nhân vật đều do chính tác giả tạo ra từ tâm não mình nên ông hiểu rõ tâm lý cách cư xử của tất cả chứ không phải là dựa trên bất kì hình mẫu có thật nào. Aleksey Tolstoy đã cho tác phẩm một không gian, thời gian khá lớn, bắt đầu từ thời điểm Sa hoàng tiền nhiệm Fyodor III qua đời vì bệnh phù thũng và kết thúc khi Sa hoàng giành được chiến thắng quan trọng tại Navar. Do sự mở rộng về không gian, khi bắt đầu đọc tác phẩm, người đọc dễ cảm thấy mọi thứ rời rạc, rối rắm. Cuốn sách này yêu cầu một sự chú tâm nhất định mới có thể theo kịp dòng văn của người viết. Và sự kiên trì sẽ được đền đáp xứng đáng khi dần dà chúng ta nhận ra các mảnh ghép tưởng chừng vô nghĩa kia khớp lại với nhau, cấu thành một bức tranh hoàn chỉnh và sắc nét trong từng chi tiết.