Từ Nắng đồng bằng (năm 1978) đến Mưa đỏ (năm 2016) là chặng đường 38 năm nhà văn Chu Lai dồn toàn bộ tâm huyết cho đề tài chiến tranh cách mạng. Trong hành trình ấy, “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng” và “Mưa đỏ” là 3 cột mốc quan trọng tạo nên những phân khúc trong hành trình tiểu thuyết Chu Lai. Nếu Nắng đồng bằng “định vị” Chu Lai trên văn đàn những năm trước đổi mới thì “Ăn mày dĩ vãng” xuất hiện khi văn chương đổi mới đang ở thế thượng phong. Còn “Mưa đỏ” xuất hiện trong bối cảnh văn chương gặp nhiều “bất lợi” khi văn hóa nghe - nhìn có sự thay đổi và đa số công chúng tập trung khám phá ngành công nghiệp giải trí. Nhưng vượt lên những khó khăn ấy, “Mưa đỏ” một lần nữa thể hiện năng lực tiểu thuyết sung mãn của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết nhuốm màu sử thi và có những câu văn ám ảnh độc giả: “Trời vẫn đổ mưa. Những hạt mưa đang biến thành màu đỏ. Mưa đỏ. Mưa máu”.