Cuốn sách nhỏ này được giới thiệu cho độc giả Việt Nam hôm nay thông qua bản dịch đầu tiên “Thư Hà Nội” là một cuốn sách lớn.
Quả là, cần phải đón chào cuốn sách này không chỉ như một tác phẩm văn học hay, như một lá thư lịch lãm và tinh tế của một nhà thơ trẻ viết cho một đại văn hào được chiêm ngưỡng và tôn trọng (Roger Martin du Gard), mà còn như sự làm chứng về tình hình thuộc địa ở Đông Dương vào những năm ba mươi của một người có tấm lòng nhân hậu. Đây là một minh chứng hiếm có, vì thời đó không có nhiều cuốn du ký vượt ra khỏi được những chuyện ngoại lai hay ngợi ca thông thường, và thực sự không có nhiều cuốn ngày nay còn xứng đáng được đọc và lưu giữ.
Vượt lên trên cách suy nghĩ hẹp hòi và tầm thường của phần lớn các đồng hương xa quê của ông, Jean Tardieu, người phản kháng chủ nghĩa thực dân, đã ngay lập tức thấu hiểu và yêu mến tâm hồn người Việt Nam, ông biết rằng một dân tộc áp bức dân tộc khác sẽ không bao giờ có thể là một dân tộc tự do, và đau khổ vì những gì ông cảm nhận và nhìn thấy, ông sống những năm tháng ở Hà Nội với nỗi cay đắng xót xa.
Cảm giác tan hoang vô hạn ấy là điều ông cảm thấy khi đứng trước thực tế đáng phẫn nộ gắn với sự nhục nhã kia. Ông cũng thể hiện ở đây sự luyến tiếc một cuộc hẹn lỡ dở với lịch sử và thấy rằng lẽ ra có thể thiết lập những mối quan hệ khác giữa hai dân tộc. Phải chăng bởi vì cha ông, người sáng lập ra Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, đã thử đưa ra cách tiếp cận này? Dù thế nào thì “Thư Hà Nội” cũng rất hòa hợp với tuyển tập văn học Pháp chống chủ nghĩa thực dân mà ở đó Jean Tardieu gặp gỡ với André Gide hay Jean - Paul Sartre.
Reflow text when sidebars are open.