Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ. Gần đây, cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ đầu thập niên 1770 đến đầu thập niên 1800 được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài để tâm tìm hiểu, dựa vào nhiều nguồn tư liệu ở các văn khố nước ngoài, tiêu biểu là văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp). Nhờ thế mà số dữ kiện được đưa ra về thời kỳ này phong phú hơn, nhiều sự thật lịch sử trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất, nay được rõ ràng, dứt khoát hơn.
Reflow text when sidebars are open.