Với bốn ngàn năm văn hiến, đất nước Việt Nam có một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Trong dòng sông văn hóa ấy, lễ hội là một thành tố quan trọng tạo nên hình hài, cốt cách của người Việt.
Đi liền với đời sống lao động sản xuất, lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa có mặt ở khắp nơi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người. Trong kho tàng lễ hội ấy, có những lễ hội đã có mặt cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn được nhân dân ta duy trì và gìn giữ. Bởi đó chính là dịp để con người ta có thể giao lưu cộng cảm, trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và khát vọng cao đẹp. Từ đó, nó mang lại cho con người sự thanh thản nơi tâm linh, gạt bỏ hay quên đi những lo toan thường nhật để về với cội nguồn, với thiên nhiên, tạo dựng cho mỗi con người một cuộc sống yên vui, tốt lành.
Lễ hội Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó có thể là vị thần Sông, thần Núi,… hay những nhân vật lịch sử đã có công góp phần mang lại cuộc sống thái bình cho nhân dân như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...
Hầu hết lễ hội Việt Nam diễn ra vào mùa xuân và mùa thu là hai mùa đẹp nhất trong năm, đồng thời cũng là lúc nhà nông có thời giờ nhàn rỗi. Ở mỗi vùng miền, lễ hội bên cạnh những nét chung, luôn mang đậm nét đặc trưng của vùng miền đó, thể hiện phần nào tính cách, tâm hồn của người dân địa phương.
Lễ hội là tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc Việt Nam. Muốn gìn giữ và phát huy các giá trị quý giá đó, điều đầu tiên là phải biết và hiểu thật sâu gốc gác, nguồn cội của chúng. Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về lễ hội Việt Nam, Nhà xuất bản Hồng Đức cho xuất bản và giới thiệu cuốn sách: CẨM NANG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM, hi vọng qua tập sách này bạn đọc có thể thấy được những cái hay, cái đẹp trong nền văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt, đất Việt.
Reflow text when sidebars are open.