Tuy sớm xâm nhập vào Việt Nam, Tam giáo đã không hề xoá nhoà ảnh hưởng của một vũ trụ quan đậm màu sắc vật linh luận trong cuộc sống tâm linh của người dân Việt. Có thể nói rằng dưới lớp phủ của các lễ thức, lễ nghi của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, nền tảng tín ngưỡng bản địa hầu như đã không biến dạng. Quả vậy, gắn bó với đất đai và tuỳ thuộc các lực lượng thiên nhiên chi phối đời sống hàng ngày, người nông dân Việt từ xa xưa đã nhân cách hoá và sùng bái các lực lượng siêu nhiên ấy. Mặc dù bị các tôn giáo lớn đồng hoá phần nào, những hình thức tín ngưỡng dân gian sơ khai này, đặt căn bản trên quan niệm một thế giới của thần luôn luôn có quan hệ, ảnh hưởng với thế giới của người, vẫn tồn tại dai dẳng, gắn liền với những phong tục nghi lễ địa phương.

Nhằm mục đích quy tụ tất cả uy thế của thần linh vào uy thế của vương quyền, các triều đại vua chúa đã chú trọng đến việc hệ thống hoá các thần thoại, bằng cách cho ghi chép thành thần tích lai lịch hành trạng bách thần, cùng thể lệ về việc thờ cúng bách thần ở các miếu, đền. Do đó, các nhà nho, vốn không muốn tin vào những sự quái dị theo quan điểm "bất ngữ quái, lực, loạn, thần" và "quỷ thần kính nhi viễn chi" đã phải lưu tâm đến việc biên soạn các thần thoại, đặc biệt là gạn lọc và biến chế các truyền thuyết để củng cố tín ngưỡng thành hoàng ở các làng, xã. Trên cơ sở ấy, đầu thế kỉ thứ XIV, Lí Tế Xuyên đã dựa vào những bản thần tích trong các đợt phong thần của các vua nhà Trần và các lời truyền tụng trong dân chúng để soạn Việt điện u linh tập, chủ trương chép lại sự tích các vị thần có công "cứu giúp sinh linh". Cuối thế kỉ thứ XV, sách Lĩnh Nam chích quái được hoàn thành, do nhiều thế hệ soạn giả sưu tập một số truyện dân gian có tính chất thần thoại dần dần viết nên. Đó là những bản văn cổ nhất mở đầu cho nhiều công trình biên soạn thần thoại dưới hình thức truyền thuyết, dã sử trong những tập sử kí, nhân vật chí, địa phương chí, truyền kì, tạp văn, và dưới hình thức những thần tích, ngọc phả.

Đang tải sách
Trang chủ