Chế độ ăn uống của mẹ trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú rất quan trọng vì có ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Mẹ cần ăn uống đầy đủ, không nên kiêng khem, nhưng cũng nên hạn chế một số thực phẩm kích thích tiêu hóa như rượu, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc, giấm, tiêu...
Khi có thai và cho con bú, mẹ cần phải ăn nhiều hơn bình thường, cho mình và cả đứa con mang trong bụng. Mẹ ăn uống tốt, đầy đủ dinh dưỡng thì sẽ lên cân tốt, tích lũy mỡ trong cơ thể làm nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh. Trong suốt thời kỳ mang thai, mẹ cần tăng từ 10 đến 12 kg, (trong đó, 3 tháng đầu tăng 1-2 kg, 3 tháng giữa tăng 4-5 kg, 3 tháng cuối tăng 5-6 kg). Trong ba bữa ăn chính hằng ngày, mỗi bữa nên ăn thêm 1 bát cơm. Ăn thêm 1-2 bữa phụ như củ khoai, bắp ngô, trái chuối, bánh giò, quả trứng hay ly sữa. Ưu tiên các thực phẩm có nhiều canxi, phốt pho như sữa, thịt, cá, tôm, cua, rau xanh...(để giúp cho sự tạo xương của thai nhi) và có nhiều đạm, chất sắt như gan, thịt, cá, trứng, sữa, lạc, vừng, đậu đỗ... (để phòng thiếu máu).
Khi cho con bú, để đề phòng bệnh mù mắt do thiếu sinh tố A, hằng ngày, mẹ nên ăn các thực phẩm có nhiều đạm và giàu tiền sinh tố A. Đó là các loại rau màu xanh đậm và màu đỏ như rau ngót, rau muống, rau lang, xà lách, mùng tơi, rau dền; các loại quả chín có màu vàng cam như chuối, đu đủ, cam, xoài...
Việc mẹ bị thiếu ăn hoặc ăn uống kiêng khem không hợp lý sẽ là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai, trẻ đẻ ra có cân nặng thấp dưới 2500 g, ảnh hưởng nhiều tới việc tạo sữa để nuôi con bú.
Để theo dõi sự phát triển của thai nhi, mẹ nên khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong suốt thời kỳ thai nghén. Lần thứ nhất vào 3 tháng đầu để xác định có thai hay không và định ngày sinh. Lần thứ hai vào 3 tháng giữa để xem thai nhi phát triển như thế nào, khỏe hay yếu để có kế hoạch bồi dưỡng cho mẹ kịp thời. Lần thứ 3 vào 3 tháng cuối để xem sự phát triển của thai, ngôi thuận hay ngược và chuẩn bị sinh.
Thiết lập
Reflow text when sidebars are open.