Sau ngày Kinh đô thành Huế thất thủ (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn, Kinh thành Huế giặc Pháp canh giữ, ngai vàng bỏ trống. Cái ngai bỏ trống ấy trở thành một cuộc tranh chấp giữa hai ông đại thần có thế lực nhất là Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình. Ông Độ là nhạc gia của Ưng Kỵ (con nuôi vua Tự Đức) và ông Bình là ông ngoại của Bửu Lân (con vua Dục Đức). Người thì muốn chàng rể của mình làm vua, kẻ thì muốn cháu ngoại của mình được ngồi trên ngai vàng. Cuộc tranh chấp đó cuối cùng Độ đã thành công. Ưng Kỵ lên ngôi với niên hiệu là Đồng Khánh. Hậu quả của sự việc ấy đã đưa đến cái chết bi thảm của Phan Đình Bình dưới triều Đồng Khánh. Không ngờ ngồi trên ngai vàng làm tay sai cho Pháp được ba năm thì Đồng Khánh ngọa bệnh chết. Nam triều và thực dân Pháp lại loay hoay tìm người kế vị. Một cuộc vận động được chọn làm vua diễn ra ráo riết. Trong một ngôi nhà nhỏ trong Thành nội có một cặp uyên ương đang thì thầm đem chuyện tâm tình xen vào quốc sự: Chàng là một thanh niên Nam Bộ, nàng là một Công nữ đài các. Muốn làm xiêu lòng người yêu thỉnh thoảng cô Công nữ lại tô điểm cho những lời thỏ thẻ một cái thở dài buồn bã ;hay sau những nụ cười khuynh quốc bằng nét mặt ủ ê buồn chán. Vẻ kiều mỵ của người ngọc lúc vui hớn hở, lúc buồn tái tê, đã khích động đến tận đáy lòng chàng, chàng bị sắc đẹp thôi miên nên đã ngoan ngoãn theo mệnh lệnh hồng nhan. Nàng Công nữ trình bày hết mọi khúc nôi và liếc mắt đưa tình: – “Em cậy yên đó nghe!” Chàng gật đầu xúc động: – “Được em cứ tin ở moa đi!” Nàng? Và chàng? – Nàng là bà Công nữ Thiện Niệm, con Thoại Thai Vương, em vua Dục Đức, cô ruột của Bửu Lâm. – Chàng là Diệp Văn Cương bí thư của lãnh sự Pháp Reina. Thế rồi một toà lãnh sự đi qua Nam triều, ra vẻ một phái viên của Bảo hộ, Diệp Văn Cương hỏi các quan Nam triều về chuyện lựa người kế vị thay vua Đồng Khánh. Và chẳng để các quan Nam trả lời, Diệp Văn Cương thản nhiên nói: – “Không hiểu ý kiến các cụ lớn thế nào còn quan lãnh sự hình như Ngài đã định chọn con Đức Dục Đức, con Đức Đồng Khánh còn nhỏ tuổi quá!” Tuy rằng trong tâm đã ghi tên con Đồng Khánh nhưng được tin quan lãnh sự đã để ý đến con vua Dục Đức, các quan ai cũng dấu nỗi lòng và làm ra bộ vui vẻ nói: – “Nếu quan lãnh sự đã quyết định như thế thì chúng tôi cũng vui lòng làm theo”. Diệp Văn Cương mừng thầm, và sau những câu chuyện thường Cương cáo từ trở về tòa lãnh sự. Về toà, gặp Reina, Cương bắt ngay chuyện, nhưng vẫn giữ thái độ điềm tỉnh: – “Về việc lập vua mới, tôi được tin rằng các quan An Nam định lựa con vua Dục Đức vì con vua Đồng Khánh hãy còn nhỏ tuổi”. Reina gật đầu nói: – “Càng hay. Con vua Dục Đức. Tội nghiệp vua Dục Đức, tôi biết ngài nhiều khi còn là con con vua Tự Đức”. Những lời nói cua Reina như có một sức mạnh lạ lùng làm rung chuyển cả tâm hồn Diệp Văn Cương. Thế là con vua Dục Đức là Bửu Lâm được tôn lên làm vua ngay trong những ngày tết. Từ Minh Ý hoàng hậu còn bị giam trong Khám đường cũng được tha và đưa vào ở bên cạnh Từ Dũ Thái hậu.