Thủy hử hay Thủy hử truyện (phồn thể: 水滸傳; giản thể: 水浒传; bính âm: Shuǐhǔ Zhuàn),nghĩa đen là "bến nước", là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm Tứ đại danh tác. Tác giả Thủy hử thường ghi là Thi Nại Am; cũng có người cho là của La Quán Trung[cần dẫn nguồn]. Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự[1] Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (cũng ghi là Lương Sơn Bạt).

Theo Lỗ Tấn, có tổng cộng 6 bản Thủy Hử, thuộc hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi. Loại 70 hồi thường chỉ khác nhau chút ít ở hồi cuối cùng - hồi 71, do nhà bình luận hoặc người đứng ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am và đều dừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân - Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100 hồi, 115 hồi, 120 hồi, 141 hồi, trong đó 70 hồi đầu giống nhau, những hồi sau khác nhau về tình tiết câu chuyện nhưng đều nói đến quá trình thất bại của quân Lương Sơn Bạc. Một trong những bản Thủy Hử thuộc loại phổ thông nhất là bản có 70 hồi, do Kim Thánh Thán - một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại. Ngoài phần phê bình văn chương, Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn "anh hùng Lương Sơn phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm" của nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một "giấc mộng kinh hoàng", của Lư Tuấn Nghĩa, ông này mơ thấy 108 vị anh hùng bị giết sạch và giữa trời đất xuất hiện 4 chữ "thiên hạ thái bình".
Dù có nhiều dị bản nhưng tựu trung, toàn bộ nội dung truyện Thủy Hử bao gồm hai phần chính: giai đoạn hình thành, tập hợp 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (trong 70 hồi đầu) và quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của lực lượng này.

Trong Thủy Hử, quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu, quá trình thăng tiến của gian thần Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống khi đó mà người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông, một quân vương chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.

Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Lương Trung Thư, Vương Tiễn... và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các trung thần của triều đình (Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí Linh, Tống Giang, Hoa Vinh...) khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.


Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.
Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về Thủy Hử có những người con đường lên Lương Sơn vòng vo nhiều lần như Tống Giang, vì ông vốn mang tư tưởng trung hiếu với triều đình; lại có những người con đường lên Lương Sơn thẳng tuột như Lý Quỳ - ông coi việc làm phản khi bị hà hiếp là đương nhiên. Thủy Hử phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: "quan bức thì dân phản", điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột, áp bức nên Thủy hử dễ đi sâu vào tiềm thức của nhân dân.

Điều khiến Thủy Hử trở nên ly kỳ, hấp dẫn là ngoài tính cách đa dạng của các nhân vật, các tình tiết còn mang nhiều tính bất ngờ, thú vị cho người đọc. Người thủ lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương Luân, nhưng chính Vương Luân lại bị Lâm Xung giết để tôn Tiều Cái. Tiều Cái được xem là người khai sáng Lương Sơn, nhưng lại không thuộc vào số 108 vị anh hùng - không thuộc vào 36 vị thiên cang hay 72 vị địa sát - vì ông bị tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108 người. Tài năng, tính cách của các anh hùng Lương Sơn cũng phong phú, mỗi người một vẻ. Ngoài những người giỏi chinh chiến trên lưng ngựa như Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần Minh, Đổng Bình... đánh bộ như Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm... còn một đội ngũ các tướng chuyên đánh thủy quân như anh em Trương Hoành - Trương Thuận, 3 anh em họ Nguyễn và cả Lý Tuấn; các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những người di chuyển nhanh hoặc giỏi đột nhập như Đới Tung, Thời Thiên... Đặc biệt, trong các anh hùng Lương Sơn còn có 3 phụ nữ (Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương).

Lương Sơn Bạc phát triển đến cực thịnh ở hồi 70 với việc tập hợp đủ 108 vị anh hùng được phân thứ hạng và nhiệm vụ ở Lương Sơn. Triều đình nhà Tống nhiều lần phát quân đi đánh dẹp đều bị quân khởi nghĩa đánh bại.


Thái úy Cao Cầu đích thân cầm quân đi dẹp, bị quân Lương Sơn bắt sống. Tuy nhiên, do thủ lĩnh Tống Giang mang nặng tư tưởng trung quân ái quốc nên đã sai thả Cao Cầu và xin được về quy thuận triều đình.
Dù bị nhiều ý kiến phản đối (nhất là Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm và Lý Quỳ),Tống Giang vẫn quyết ý dẫn các thủ hạ về quy hàng khi được triều đình chiêu an.
Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi chống quân nhà Liêu xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng quân Liêu liên tiếp nhiều trận, sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy Tông theo lời các gian thần, chấp thuận cho nước Liêu giảng hòa và hạ lệnh Tống Giang rút quân.
Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp. Với đội ngũ thiện chiến, tài năng, quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống đã dẹp được cả 3 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này.
Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của Điền Hổ, Vương Khánh, họ toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử vong. Tuy nhiên, khi đánh Phương Lạp, quân Lương Sơn bị tổn thất nặng. Và khi giặc giã không còn, nhà Tống tìm cách trừ khử họ.

Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp. Cho tới khi hạ đội quân này và bắt sống thủ lĩnh của họ (Võ Tòng bắt được Phương Lạp),các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất nặng nề.

Trong 108 người, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về; 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều.
Đang tải sách
Trang chủ