KHÔNGNHỮNG TẠI PHÁP– quê hương ông – mà ở khắp nới trên thế giới, người ta đã thấy trên 100,000 cuốn sách về Napoléon và thời đại của ông.
Nhưng « tiếng » Napoléon thế nào ? Đó là quyền của công luận, xưa cũng như nay.
Riêng tại Việt-Nam, sách viết về « tiếng » Napoléon đã quá ít, mà loại dành cho « cuộc đời » của ông lại càng hiếm hơn, có thể nói hầu như chưa có ! Kể ra cũng thật đáng phàn nàn !
Lâu nay rồi, chúng tôi đã có ý muốn cố gắng biên soạn một cuốn sách về cuộc đời Napoléon.
Nhưng vì hoàn cảnh khách quan, cũng như suy đi nghĩ lại với nhiều nỗi e dè, nên chưa thực hiện được.
Một sự tình cờ may mắn : chúng tôi được đọc cuốn Napoléon của tác giả Pierre Cluzel, nhà văn Pháp nổi danh, biên soạn tại Paris, do nhà xuất bản Fernand Nathan ẩn hành tại Paris năm 1947. [1]
Không như một số tác giả Pháp thường hay khai thác những quân công võ nghiệp của Napoléon, biến ông thành thần tượng anh hùng độc nhứt. Không như một số khác đi sâu vào từng mối tình thầm kín của một khách hào hoa đa tình, biến ông thành nếu không là một hiện thân của tình lụy, thì cũng là mẫu người phức tạp dị kỳ.
Pierre Cluzel không thế. Đúng như ông đã nói từ đầu « Napoléon » của ông chỉ là một bức họa tuy đơn sơ, nhưng hoàn toàn trung thực về cuộc đời Napoléon Bonaparte : từ khi còn là thằng bé Napolione tới những ngày cuối cùng ở Sainte-Hélène.
Dĩ nhiên đã là « bức-họa cuộc đời », thì dù có đơn sơ, làm sao có thể bỏ qua nhưng giai đoạn, những sự kiện quan trọng. Nhưng với Cluzel, những sự kiện đó chỉ được trình bày như là những nét đặc biệt của một nhân vật hào hùng, sống thực, mà không quá xa vời với chúng ta. Và nếu chúng tôi không nhầm, có lẽ cũng là dụng ý của tác giả khi đặt vấn đề chép Napoléon theo thể « truyện ký » của ta.
Tuy chưa hoàn toàn đồng ý nội dung cũng như cách trình bày – theo quan điểm của từng người – chúng tôi tưởng cũng nên đem cuộc đời của một danh nhân thế giới khá lẫy lừng, giới thiệu với một số quý vị đồng bào đang muốn tìm hiểu.
Bên cạnh một Quang-trung Nguyễn-Huệ của chúng ta, Napoléon Bonaparte của nước Pháp sẽ như thế nào ?
Chúng tôi nghĩ rằng đó là thẩm quyền của Qúi Vị sau khi đọc xong dịch phẩm Napoléon này !