Bà chúa Tuyết (tiếng Đan Mạch: Sneedronningen) hay còn gọi là Nữ chúa Tuyết[3] là một câu chuyện cổ tích của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen. Đây là tác phẩm thứ 68 trong sự nghiệp sáng tác văn học của ông.[4] Mặc dù truyện tương đối dài (được chia thành 7 câu chuyện nhỏ) nhưng Andersen đã viết truyện này chỉ trong 5 ngày.[5] Tác phẩm này được xuất bản lần đầu vào ngày 18 tháng 12 năm 1844 trong cuốn sách có tên Nye Eventyr (Những truyện kể mới).[6]
Qua tình tiết lũ quỷ chế tạo tấm gương kì lạ, truyện đã mô tả một xã hội, trong đó cái xấu, cái ác đang âm thầm phá đi triệt để những giá trị nhân bản của con người như tấm lòng và tình cảm. Thông qua câu chuyện này, Andersen đã đưa ra lời nhắn nhủ nhỏ nhẹ nhưng cương quyết và đanh thép đã gởi gắm vào trong nội dung: "Mọi người cần phải cảnh giác với lũ quỷ vì chúng đã sáng chế ra tấm gương kì lạ, làm cho mọi người bị mê hoặc và trở lại thành thú vật thảm thương".[7]
Mặt khác, truyện cũng bộc lộ thái độ tích cực chống lại cái xấu, cái ác và đề cao tình cảm con người thông qua nhân vật chính là cô bé Gerda. Thế nhưng, nhờ có ánh sáng chân lý và sức mạnh tình thương, con người có khả năng tránh xa và có tinh thần chiến đấu, chiến thắng cái xấu, cái ác. Đó là ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm. Đồng thời, câu chuyện cũng mang tới một thông điệp cho các em thiếu nhi và mọi người: Cần biết quý trọng tình bạn và kỷ niệm, biết sống vì người khác, câu chuyện cũng chính là một bài ca về tình bạn.[8] Giá trị của hình tượng, kết cấu, của các chi tiết nghệ thuật đã tô đậm và nâng cao giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm. Giữa nội dung và hình thức có sự tác động và hòa quyện lẫn nhau. Vì thế, chúng ta không phân biệt đâu là nội dung và đâu là hình thức của truyện.
Do đó, truyện được các nhà phê bình, các học giả cũng như các bạn đọc khắp nơi trên thế giới đánh giá cao và đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của Andersen. Đến nay, tác phẩm được biên dịch và xuất bản nhiều nơi trên thế giới. Câu chuyện này đã được nhiều quốc gia trên thế giới chuyển thể thành phim hoạt hình và phim truyền hình, các vở nhạc kịch ở Liên Xô, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Mĩ, Việt Nam... Đặc biệt, năm 1972, Đức đã phát hành bộ tem dựa trên nội dung truyện này[9] và hình ảnh của hai nhân vật chính, bà Chúa tuyết được khắc trên đồng tiền kỷ niệm của Belarus[10][11] nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Andersen (năm 2005).
Reflow text when sidebars are open.