Trong bài kí “Con người năm một triệu” đăng tải năm 1893, văn hào Anh Herbert George Wells - một trong những nhà văn tiên phong mở đầu cho thể loại văn học khoa học viễn tưởng - đã có một quan điểm độc đáo tham gia vào những cuộc tranh luận nảy lửa thời đó về việc liệu sự tiến hóa của con người đã chấm dứt hay chưa. Wells cho rằng quá trình ấy vẫn sẽ tiếp tục. Theo luận đề này ông mô tả “Con người năm một triệu” của mình. Con người ấy khác chúng ta ngày nay ở mức độ còn nhiều hơn chúng ta khác loài khỉ bây giờ. Sự tiến hóa sẽ ảnh hưởng khác nhau tới những bộ phận khác nhau của cơ thể. Tay sẽ phát triển vì nó là “ông thầy của não bộ”. Tay sẽ mạnh hơn và uyển chuyển, linh hoạt hơn do thích ứng được những công việc tinh xảo. Ngược lại, những cơ bắp còn lại sẽ yếu đi và sẽ hầu như teo tóp. Thế nhưng đầu sẽ tăng trưởng lạ thường vì đây là nơi bao chứa não bùng nổ phát triển. Đồng thời, đầu sẽ không còn giữ những tỉ lệ như xưa nữa. Mọi nét trên mặt sẽ trở nên phẳng, hai tai, mũi, vòng cung lông mày sẽ không còn nhô ra như trước, cằm và miệng trở nên bé xíu. Hóa học sẽ đem lại cho con người những hợp chất dễ hấp thụ ở dạng hoàn hảo nhất. Cũng do thế mà nhu cầu tiêu hóa thức ăn sẽ mất đi và cơ quan tiêu hóa sẽ tiêu biến đi nơi cơ thể người, bởi lẽ con người sẽ học được cách tiếp nhận thức ăn, dinh dưỡng trực tiếp từ môi trường xung quanh. Những “nhà ăn”, “phạn điếm” năm một triệu sẽ là những bể bơi lớn được hòa tan dung dịch dinh dưỡng, và con người (cho tới thời đó dáng vẻ con người có lẽ giống như loài bạch tuộc) sẽ chỉ cần ngâm mình bơi trong đó một chốc và thế là “công chuyện ăn uống” nhiêu khê của quá khứ được thực thi chóng vánh theo lối năm một triệu. Con người sẽ tách biệt xa hơn vương quốc động vật so với ngày nay, những tình cảm nơi con người sẽ lụi tàn và gia tăng khả năng tư duy lôgic phi cảm tính.
Kịch bản tương lai và những biến hình của thế giới tương lai có thể được tìm thấy nhiều hơn nữa trong các tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng không chỉ của H. G. Wells mà còn của nhiều nhà văn khác.
Văn học khoa học viễn tưởng đã thấp thoáng trong sáng tác của nhiều nhà văn từ thời Trung cổ và Phục Hưng, song chỉ đến thế kỉ XIX, văn học khoa học viễn tưởng mới bộc lộ rõ nét như một thể loại văn học độc lập. Có thể thấy rõ sự vận động mạnh mẽ đó trong Frankenstein của Mary Shelley, trong những tác phẩm của Edgar Allan Poe và Nathaniel Hawthorne.