Hơn 12 năm sau khi ấn bản đầu tiên ra đời, “Lãnh đạo – Chiến lược thực thi” của Warren Bennis và Burt Nanus đã trở lại với độc giả với một phong cách mới hơn nhưng vẫn không mất đi những giá trị tinh túy vốn có của nó. Cuốn sách đã thổi một luồng sinh khí mới về quan niệm lãnh đạo, giúp cho những người đã, đang và sẽ trở thành lãnh đạo nhận thức, nắm bắt và thích nghi với những thay đổi quá nhanh chóng và bất ngờ của thời đại ngày nay.
Với phương pháp phỏng vấn và quan sát 90 nhà lãnh đạo tại nhiều cấp bậc từ các tổ chức trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội Mỹ, không phân biệt màu da và giới tính, kết hợp với khả năng dẫn dắt và khai triển vấn đề, tác giả đã đúc kết thành những nguyên tắc cơ bản của lãnh đạo và chứng minh chúng qua những ví dụ thực tế một cách thuyết phục.
Có thể nói thành công lớn nhất, cũng là điều người dịch tâm đắc nhất khi học hỏi từ cuốn sách này là sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo. “Quản lý là đảm bảo công việc thực hiện đúng đường lối còn Lãnh đạo là tìm ra đường lối đúng đắn” . Khái niệm này có lẽ còn mới mẻ với rất nhiều người, khi trước đây “lãnh đạo” đa số bị đánh đồng với “quản lý”.
Người lãnh đạo phải biết tổ chức của mình cần gì, truyền đạt ý tưởng này cho mọi người, đặt tổ chức vào đúng chỗ và giao quyền cho nhân viên làm việc. Để thực hiện được việc nghe có vẻ đơn giản này, lãnh đạo cần phải có những kỹ năng phù hợp thông qua việc liên tục trau dồi, học hỏi và hoàn thiện bản thân cũng như tổ chức. Ngày nay, thành công không chỉ dừng lại ở một cá nhân mà nó được đẩy lên tầm tập thể, một quan niệm mới cho lãnh đạo hôm nay là: “Team work is dream work,” tức là chỉ có làm việc tập thể thì giấc mơ thành công mới thành hiện thực. Xu hướng phân quyền ngày càng mở rộng làm cho các tổ chức trở nên phẳng hơn, ít cấp độ hơn, lãnh đạo cần có ở tất cả các cấp, bộ phận và lãnh đạo cấp cao sẽ trở thành “lãnh đạo của lãnh đạo”. Qua đó, quyền lực sẽ dần dần được thay thế bằng sự tôn trọng, chia sẻ và hợp tác giữa những con người trong một tổ chức cùng hướng tới một mục tiêu chung.
Tuy nhiên, đối tượng phỏng vấn mà tác giả đề cập xuyên suốt cuốn sách tập trung vào những nhà lãnh đạo Mỹ nên tư tưởng của cuốn sách ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Mỹ. Vì vậy, khi vận dụng các nguyên tắc lãnh đạo trong tác phẩm này cần quan tâm đến yếu tố văn hóa dân tộc vì văn hóa tổ chức chịu ảnh hưởng rất sâu đậm từ yếu tố này. Hiện nay, Việt Nam dù đã tiến bộ nhiều nhưng sức ỳ trong suy nghĩ vẫn còn lớn, làm ảnh hưởng tới sự sáng tạo, đổi mới. Ngoài ra, xu hướng tập trung quyền lực vào các cấp lãnh đạo cao tạo khoảng cách quyền lực khá lớn, gây trở ngại cho công tác phân quyền và huy động sự tham gia của mọi thành viên, mọi lãnh đạo ở các bộ phận vào mục tiêu chung của tổ chức.
Hy vọng qua việc vận dụng một cách linh hoạt kiến thức của cuốn sách này các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể dẫn dắt tổ chức trong quá trình sàng lọc, cải tiến cái cũ, tinh tuyển cái mới để vạch ra một tầm nhìn khả thi, truyền đạt ý nghĩa tầm nhìn trong văn hóa tổ chức, phát huy tinh thần học hỏi và chuyển đổi để thích nghi với môi trường bên ngoài, tạo một chỗ đứng vững chắc cho tổ chức trong xã hội.
Reflow text when sidebars are open.