Trong bài “Các Mác – Một tình yêu bao la”, Đông La 1 có nhắc đến tên tôi để công kích vì cho rằng cùng với số người “chống đối” khác, tôi đã lên tiếng “phê phán, phủ nhận toàn những nhân vật mà chế độ hiện thời đều cho là vĩ nhân cả như Các Mác, Lê nin, Bác Hồ…”. Đối với các vị khác tôi không biết có đúng không, nhưng đối với tôi thì điều đó là chính xác hoàn toàn, nhưng tôi rất tiếc đã không thấy tác giả dẫn ra một câu nào trong rất nhiều bài viết đã xuất hiện của tôi để chứng minh rẳng vì những sai lầm mắc phải khi “chống đối” chủ nghĩa Marx, tôi có bị làm cho “khốn đốn” thì cũng chẳng có gì gọi là “oan” như tác giả đã viết. Trong khi đó, lại thấy trong bài của tác giả mấy dòng trích dẫn mà tôi biết chắc là của tôi 2 , nhưng được tác ghi chú trong ngoặc đơn bằng mấy chữ rất đáng ngạc nhiên: “dẫn theo một tác giả trên talawas mà tôi đã quên tên”! Nêu tên một tác giả để đẩy người ta về phía “chống đối” mà không dẫn chứng, nhưng khi cần thì lại dẫn chính tác giả ấy ra để chống … “chống đối” bằng cách “quên” tên tác giả ấy, một cái lối làm việc như vậy không thể không nói là cẩu thả và kỳ quái! Vậy mà đó cũng chính là cái phương pháp tác giả đã vận dụng trong bài viết nói trên để giải quyết một “bài toán lớn” cho đất nước (chữ hay dùng của tác giả) gọi là bảo vệ chủ nghĩa Marx, công kích những người “chống đối”, qua đó bày tỏ sự ủng hộ của mình với chế độ đương quyền.
Trong đoạn dẫn một số tài liệu “tham khảo” để chứng minh cho sức hấp dẫn của chủ nghĩa Marx, tác giả có mượn một câu trong một cuốn sách của J. Derrida –“Không thể không có Marx, không thể có tương lai nếu không có Marx”– cho rằng tuy là “một triết gia tư sản” nhưng đã “viết rất tốt” về Marx. Là người đã đọc và viết về cuốn sách ấy của Derrida, tôi có đủ cơ sở để khẳng định rằng khi dẫn như vậy tác giả chẳng hiểu gì về ý nghĩa thật sự trong câu văn đã dẫn của Derrida cả bởi vì nếu tự mình đọc được và hiểu được cuốn sách này tác giả sẽ thấy câu nói đó giả định hàng loạt những điều kiện, trong đó quan trọng nhất là sự tan rã của những thứ gọi là “chủ nghĩa Marx trong thực tế” (thí dụ các đảng cộng sản, phe xã hội chủ nghĩa…) cùng với việc phủ định tất cả những mưu toan muốn biến tư tưởng của Marx thành cái gọi là “chủ nghĩa Marx“ dưới bất cứ hình thức cố định nào để chỉ giữ lại điều duy nhất cốt yếu là cái tinh thần phê phán triệt để tất cả mọi thiết chế hiện tồn, và chỉ có trong những điều kiện ấy thì Marx mới cần thiết cho thế giới hôm nay.