Current View
Trong cuốn sách viết về EINSTEIN, tác giả Nguyễn Xuân Xanh đã mô tả ông là con người đầy cá tính với những chặng đường khoa học trải đầy vinh quang hoặc những lúc cô đơn đến tuyệt vọng. Hơn ai hết, Einstein là con người kiên quyết chống lại những lối giáo dục vô cảm, giết nhân cách, óc tò mò và trí tưởng tượng thiêng liêng của học trò để thay vào đó những mớ kiến thức không hồn và thành tích cá nhân hão mà bản thân ông đã từng nếm trải và khinh ghét.

Những khám phá khoa học, từ thuyết tương đối, “công thức định mệnh” E=mc2, đến thuyết lượng tử ánh sáng, đều là sản phẩm của tinh thần khoa học phi vụ lợi của ông, nhưng nếu không có chúng, bộ mặt thế giới hôm nay không thể hình dung được. Einstein là con người luôn đi tìm sự thật. Có lẽ vì thế mà năm 2005 vừa qua kỷ niệm 100 năm năm thần kỳ và 50 năm ngày mất của ông, thế giới muốn nghe lại những tiếng nói thật nhất và can đảm nhất của ông như một sự nhắc nhở cho nhân loại.

Nhà bác học EINSTEIN (1879-1955), ông sinh tại thành phố Ulm (Đức). Từ một cậu bé phát triển chậm đã trở thành “bộ óc của thế kỷ”; từ một thanh niên thất nghiệp ở đại học sau khi đỗ cử nhân tại Zurich đã trở thành “bậc thầy” của vật lý. Năm 1905 với năm bài báo đã làm cuộc cách mạng khoa học thế giới, với thuyết tương đối và thuyết lượng tử ánh sáng; được công nhận giải Nobel năm 1921. Mới 15 tuổi ông đã từ bỏ nước Đức ra đi, rồi 20 năm sau về lại Berlin trong sự vinh quang khi trở thành thành viên trẻ nhất của viện hàn lâm Phổ tại Berlin năm 1914. Nhưng gần 20 năm sau lại phải bỏ nước ra đi lần thứ hai trước hiểm họa phát xít, chọn Princeton làm trạm dừng chân cuối cùng.

Einstein không phải là “chuyên viên” tháp ngà để quên đi thế giới xung quanh, cũng không phải là con người của bộ máy để dễ dàng nghe theo mệnh lệnh của nó. Đi tìm chân lý đối với Einstein quan trọng hơn mọi thứ khác.


Các nhà khoa học đã chia sẻ khi đọc cuốn sách Einstein, như Gs. Phạm Xuân Yêm “Không những đây là một cuốn sách hay nhất bằng tiếng việt, mà ngay cả so với một số sách báo Pháp và Anh mà tôi đọc nhân dịp 2005 là năm vật lý toàn cầu để kỷ niệm đúng một thế kỷ ra đời của năm thần kỳ của Einstein cũng như của hai thuyết tương đối hẹp và lượng tử, chưa thấy có quyển nào viết về Einstein cho đại chúng mà nội dung phong phú với một ngôn ngữ sáng sủa đến thế”.

Đây là nhận xét của Gs. Hoàng Tụy “Đọc cuốn sách hấp dẫn và đầy suy tư này, tôi càng thấm thía vì sao Einstein đã đi đến kết luận “Trí tưởng tượngquan trọng hơn tri thức”. Rất mong các bạn trẻ tìm đọc cuốn sách này để giúp mình xác định hướng học tập, rèn luyện và tham gia nghiên cứu, sáng ạto trong các lĩnh vực kho học công nghệ, văn hóa, giáo dục”.

Và đây là ý kiến của Gs. Jurgen Renn: “Một công trình ấn tượng và có sức lôi cuốn bởi khối lượng thông tin phong phú và cách trình bày đầy sinh khí”.
Trang chủ