“Áng văn Nôm trác tuyệt tân kỳ, dân Hà thành hồi ấy gọi là “Phú ông Lựợng” trong khi đổ xô đi tìm mua bản chép tay này… Người ta mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên. Nhớ câu chuyện ở Trung Quốc đời Tần, có Tả Tư viết bài Tam đô phú rất nổi tiếng. Người ở kinh đô Lạc Dương tranh nhau chép bài phú này, khiến giấy trở nên khan hiếm và giá đắt vọt lên (2). (Bản thân chúng tôi cũng được nếm trải tình hình tương tự vào năm 1987, 88 khi báo Văn nghệ Hội nhà văn đang tưng bừng đăng sáng tác ký, truyện ngắn mở đầu cao trào Đổi mới; mỗi sáng thứ Bảy chúng tôi chạy ra sạp báo trên phố Hà Nội mua tờ Văn nghệ 16 trang, tờ báo bán chạy nhất thủ đô những năm ấy, nhưng thức dậy muộn nên chỉ mua được những bản photo mờ mờ từ sạp báo hoặc từ tay những em bé Hà Nội cầm từng xấp đi rao trên hè phố lá sấu lá bàng lác đác…)
Tụng Tây Hồ phú, một áng văn khiến người đọc say mê, rù rì đọc từng chữ từng câu. Cái dư âm của nó quấn quýt mãi không rời. Những từ láy lần đầu phát ra từ bài văn Nguyễn Huy Lượng và chẳng bao giờ lặp lại nữa. Nghĩ đến văn chương vùng đất Thăng Long, người ta nhớ ngay đến bài văn ấy, tác giả ấy. Và ngẫm suy về bao điều khác nữa…Một vài câu văn, ý thơ được nhớ mãi là một tiêu chuẩn để đánh giá địa vị một áng văn.
Sống trong năm kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, người viết giở lại Tụng Tây Hồ phú mà thưởng thức. Lại tình cờ đọc thấy trên báo mạng một bài nghiên cứu của tác giả Hoài Nam về Nguyễn Huy Lựợng nên băn khoăn muốn tỏ bày ý kiến. Trước hết người viết trình bày mấy điều tâm đắc tản mạn về bài phú.
Reflow text when sidebars are open.