Anh võ sĩ già Tom King tuổi đã tứ tuần chấp nhận lên sàn đấu với chàng thanh niên mới ngoài 20 chỉ vì vài mươi đồng bảng thưởng mong giúp vợ con “vượt khó”. Nhà Tom nghèo đến độ, người vợ không thể mua nổi cho chồng một miếng bít-tết bồi bổ trước trận đấu. Kinh nghiệm giúp Tom cầm cự và đến hiệp thứ 11, anh tưởng đã giành chiến thắng. Nhưng sau hàng loạt cú đấm trúng đích, anh vẫn không đủ sức tung nổi cú đấm quyết định. Lúc đó, đầu Tom luôn bị ám ảnh bởi miếng bít-tết.
Kết cuộc, Tom thua.
Ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tôi chợt nhớ lời thầy kể khi nhìn cậu sinh viên Việt Nam ngồi ăn miếng bít-tết. Chả là đứa cháu tôi đang học ở đó. Trước khi đi, bà chị dặn “cậu vào trường xem cháu sinh hoạt như thế nào”. Và tôi đã vào tận nhà ăn sinh viên. Miếng bít tết ấy to, dày bằng bàn tay người đàn ông lao động. Ở đấy họ bán với giá 3,5 đô la Singapore, tức gần 40 ngàn đồng. “Chị không phải lo, bọn nó ăn uống bên đó khỏi chê, giá cả cũng không đến nỗi đắt”, tôi bảo bà chị sau cú tặc lưỡi nhớ lại bát cơm sinh viên của tôi mười lăm năm trước.
Ở TP.HCM, một bát phở tử tế giá đã ngoài 30 ngàn đồng. Không đắt là ở chỗ, qua lời thuật của chị bán hàng, giá trên được Chính phủ Singapore dành riêng cho sinh viên.
Họ trợ giá cho cả sinh viên ngoại quốc.
Điều kỳ lạ ấy nhanh chóng được giải đáp sau cuộc trò chuyện thú vị với lãnh đạo trường. Không chỉ bữa ăn, Chính phủ Singapore hỗ trợ cả học phí, đến hơn 80%. Đây là mức hỗ trợ sinh viên ngoại quốc không cần hoàn trả. Bù lại, họ buộc phải làm việc cho một công ty của Singapore ít nhất 3 năm sau khi ra trường.
Khi tách ra khỏi Malaysia cách đây hơn 30 năm, nội các Singapore nhóm họp và ông Lý Quang Diệu xác định rằng: “Singapore không có đất đai, không có tài nguyên, cách duy nhất để phát triển đất nước là đầu tư vào chất xám”.
Có vẻ như dùng chất xám của người Singapore thôi không đủ, hôm nay, họ đã có chiến lược dùng chất xám từ nước khác.
Câu chuyện trên là một ví dụ.
Nhưng cách họ tìm cho đúng người, đãi ngộ cho đúng chỗ mới là điều để chúng ta suy nghĩ.
“Chúng tôi dựa vào kết quả học tập của từng em, sau đó truy ngược lại xem em ấy học trường nào và sau nhiều năm, chúng tôi chắt lọc được trường trung học nào có truyền thống đào tạo tốt”, một lãnh đạo NUS trò chuyện. “Từ đó, chúng tôi tiếp cận họ, đề xuất với họ về các suất học bổng để mời học sinh của họ đến học ở trường tôi”.
Những học sinh ưu tú nhất từ những trường trung học ưu tú nhất, nếu không đủ khả năng du học u – Mỹ, đã chọn Singapore là bến đỗ.
Ai dám chắc những sinh viên ấy sau 3 năm làm việc cho các công ty Singapore sẽ trở về “giúp dân, giúp nước”, đặc biệt trước thực trạng chất xám đang dần rời khỏi các cơ quan công quyền như hiện nay?
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Cần có những chính sách để không thất thoát những phần tử ưu tú nhất của thế hệ trẻ.
Trở lại trận quyền Anh, nếu có miếng bít-tết, Tom King đã thắng. Tôi biết ở NUS có sẵn hàng triệu miếng bít-tết như vậy.
Reflow text when sidebars are open.