Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nga, hình ảnh những con người “thấp cổ bé họng” đã đi vào văn học với tư cách đại diện cho một bộ phận người khốn khổ trong xã hội bị đè nén, áp bức, tước đoạt về đời sống tinh thần, tình cảm. Những con người nghèo hèn trong xã hội ấy đã trở thành nhân vật chính của văn học thời đại. Tiếp nối hình tượng “con người bé nhỏ” Xamxôn trong Người coi trạm của Puskin, với Akaki Akakiêvits Basmakin trong tác phẩm Chiếc áo khoác của Gogol, chủ nghĩa hiện thực đã hoàn toàn thắng thế trong văn học Nga, đồng thời đã khẳng định sự tồn tại vững chắc của thuật ngữ “con người bé nhỏ” của văn học Nga. Chính vì vậy, “Cùng với Puskin, Gogol là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga”. Tác phẩm Chiếc áo khoác (trích Học phần Văn học Nga) đã khắc họa rõ nét chân dung người viên chức nghèo trong bộ máy quan liêu của nước Nga thế kỉ XIX. Đó là những con người nhẫn nhục đến mức phi lí, trì trệ tới mức ngạt thở. Những “con người bé nhỏ” ấy không chỉ bị áp bức, đè nén bởi những thế lực quan trọng trong xã hội mà còn bị chính tính nhu nhược, nô lệ của mình làm cho trở nên nhỏ bé, thấp hèn.